Tại sao in DTG ở Việt Nam lại đắt tiền vậy?

Bởi
YAT News
Cập nhật: 01/03/2023 8:55 pm
Đã đăng: 21/03/2021 2:01 pm

Chủ đề in DTG hay công nghệ in trực tiếp lên vải mình đã đề cập khá nhiều trên website, từ mua máy ở đâu đến so sánh các công nghệ khác,… bla bla. Nói chung là mấy cái DTG này mình cũng có kinh nghiệm kha khá.

Bài viết hôm nay mình sẽ khai thác xoáy sâu vào cái khoản tiền, tại sao chúng ta phải trả một số tiền lớn hơn 4-5 lần so với các công nghệ khác để được một cái áo in như ý.

Lưu ý: mình chỉ viết theo góc nhìn của mình, theo kinh nghiệm mình biết được, của một người giống như các bạn, chuyên đi in thuê và có chút nghiên cứu.

© YAT

Nguyên nhân thứ nhất: giá máy in quá cao

Để có một con máy in DTG ổn định, bạn cần một cỗ máy cũng thuộc dạng tầm trung trở lên. Vd: 1 con Brother GTX thường giá giờ cũng hơn 700 triệu (VND),…

Đây là những máy in của các công ty Nhật chính hãng Brother, Epson,… ở Việt Nam mình đều có đơn vị tư vấn và phân phối. Sẵn cũng chia sẻ luôn với bạn: bạn sẽ phải gắn bó và lệ thuộc với nhà phân phối của mình cho dù có ghét hay không suốt cả thời gian còn nuôi máy.

Để vận hành tốt, bạn cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định của nhà sản xuất, và bảo trì định kỳ mỗi ngày. Đổi lại việc này, bạn sẽ có chiếc máy in ổn định.

Tiều biểu có vài dòng máy thị trường Việt Nam mình hay xài:

  • Brother GT Series (GT3, GTX, GTXPro)
  • Các dòng máy của Epson.
  • Dòng Epson SureColor SC-F3030
  • Richo Ri 1000 và Richo Ri 3000

Nếu bạn nghe đâu đó ở trên mạng, đặc biệt facebook, có vài anh thợ nào đó tự quảng cáo máy in giá chỉ tầm 60-90tr. Thì mình cũng trả lời cho bạn: vất đi (còn không tin cứ tư vấn trước những người đã từng xài).

Tóm lại: vì giá thành quá cao (từ 25.000 – 50.000 USD) cho một con máy in chính hãng ổn định, tùy mỗi xưởng in, họ sẽ tính phần khấu hao máy in vào giá thành gia công cho khách.

Epson SureColor SC-F3030 © Epson

Nguyên nhân thứ hai: mực in mắc hơn máu

Cái câu trên tưởng đùa mà thật, đặc biệt nếu mua mực in của hãng Brother. Mình không cập nhật lâu nhưng lần cuối mình biết cũng $275-$350 / lít mực. Đắt một cách phi lý. Cho dù máy hãng, máy chế, máy trung quốc, tất cả đều phải cần đến mực in.

Trên thị trường có nhiều loại mực in, có của Trung Quốc, Hàn Quốc, Dupont,… và chính hãng. Nhưng hầu hết nếu đã xài máy chính hãng thì họ bắt xưởng mua mực chính hãng. Thế là chúng ta sẽ nhận được một thông tin từ xưởng đến quen luôn: sẽ check mực từng hình mới tính tiền.

Tóm lại: vì giá mực cao đến phi lý, thì nó cũng sẽ đội vào giá của chi phí gia công áo

Nguyên nhân thứ ba: chất lượng vải

Đây là yếu tố rất ít bạn quan tâm lên. Công nghệ in DTG là công nghệ được sáng tạo để in lên vải cotton 100%. Vải càng tốt thì in càng đẹp, tuy nhiên “đẹp” nó còn phụ thuộc yếu tố khác nữa, mình sẽ nói sau. Dĩ nhiên gần đây bạn có nghe các hãng quảng cáo DTG in được vải polyester. Vâng! DTG có thể in trên vải polyster,… với điều kiện có hóa chất phù hợp. Tiền hóa chất thêm vào cũng bằng in trên vải cotton thôi bạn.

Kinh nghiệm của mình gặp nhiều bạn trẻ và các bạn muốn khởi nghiệp làm local brand,… điểm chung là muốn gắn các mạc thương hiệu lên áo, khẳng định tên tuổi, in hình cực to cực đẹp lên và đẩy marketing. Chỉ cần được vậy, còn chất lượng vải thế nào mặc kệ, rõ ràng cái phần quan trọng nhất –> vải áo thì chả quan tâm.

Mà ở Việt Nam, tìm đồ ăn vặt + vải vóc thì chả có gì dễ bằng cả. Ngành may mặc ở Việt Nam mình phát triển rất mạnh, xuất khẩu khắp thế giới và nổi tiếng toàn cầu đó. Nhưng… mấy cái thứ vải bạn tìm được ở thị trường Việt Nam –> là hàng chợ, hàng dư, hàng lỗi, hàng dạt, hàng không đủ chất lượng xuất khẩu hoặc hàng xuất khẩu nhưng vì sai cái gì đó, trễ đơn bị trả về.

Nếu tìm được vải tốt thì chưa chắc in DTG tốt, hoặc giá cao, hoặc số lượng không nhiều. Không chắc thì phải test, thử coi in tốt không, không thì lại tìm tiếp. Nếu vải dở thì in lỗi, áo lỗi thì dĩ nhiên bạn mặc hoặc xưởng in đền. Chính vì những chi phí xem như vô hình nên chả ai quan tâm mấy. Ui dào, áo tao mua rẻ, hư thì quăng,… nếu hư 100 cái thì sao? Còn chưa nói là nguồn cùng đồ chợ nó không ổn định, bạn cất công test biết bao thời gian và tiền bạc mới được cái mẫu ưng thì tháng sau lại mua thì hết vải rồi bạn. Nói về vải chợ, vải xịn mình sẽ đề cập bài khác nhé.

May mắn trên thị trường áo thun trơn (hoặc áo phôi) giữa rừng những loại vải trôi nổi thì vẫn có vài điểm.

Gildan © shirtspace.com
  • Vải áo của hãng Gildan: hãng này nổi tiếng toàn cầu, đâu đâu cũng có, Việt Nam mình cũng có và giờ cung cũng khá nhiều do nhập từ Gildan China và Gildan giả. Thưa các bạn, ở một xứ sở của vải thì giả một cái áo chất lượng trung bình như Gildan không khó. Và bạn cũng chưa chắc phân biệt được. Ngoài ra bạn có thể xem bài viết: Tổng hợp các điểm mua áo thun hãng Gildan để tìm mua áo chính hãng.
  • Vải áo của hãng Gold Rhino: nổi lên là giữa rừng hàng chợ, không ít người đánh đồng áo thun của GR như đồ chợ. Chất lượng tầm trung, giá thành cao, đường may tốt, màu sắc đa dạng.
  • Vải áo từ YAT: những chiếc áo được chúng tôi đầu tư với chất lượng tốt do HighQ cung cấp.

Tóm lại: cơ bản thì bất kì vải cotton nào cũng in được, nhưng in tốt, đẹp và bền là câu chuyện khác nhau, vải tốt chỉ trả lời một phần. Nhưng vải tốt và ổn định nó sẽ giúp bạn giữ chân khách hàng và… đỡ phải in lỗi hư bạn à.

Nguyên nhân thứ tư: nhân công

Đây tuy không quan trọng lắm, nhưng cũng được kê vào vì tư kinh nghiệm mình: in đẹp hay không cũng tùy thợ nữa bạn à. Và thợ dở thì in lỗi nhiều, nếu đàng hoàng thì nó đền, còn không thì bạn thêm cục tức + thời gian phí phạm vô ích.

Đã đầu tư một con máy in hơn 1 tỉ đồng, mà không biết vận hành thì cũng vất bạn à. Giống như mua xe ô tô mà không biết lái xe vậy. Và thợ tốt không nhiều bằng tài xế tốt.

Tóm lại: hãy gắn bó với 1-2 xưởng phù hợp với bạn, vì đến xưởng khác chắc gì thợ giỏi bằng.

Nguyên nhân thứ năm: giá giao hàng

Bạn có biết, khi bán hàng online, ngoài giá vốn thì có 1 chi phí cực kì khó chịu: shipping.

Mình giả sử với bạn thế này: Bạn không có máy in, bạn thuê gia công, bạn tìm được một dòng áo với vải thực sự ưng ý, nhưng xưởng in họ không có vải đó, hoặc vải của họ quá tệ với yêu cầu của bạn. Một cô nàng A nào đó ở Quảng Ninh đặt mua bạn 5 chiếc áo in trên shop của bạn. Bạn sẽ làm thế này:

  • Ship 5 chiếc áo đến xưởng in (20k).
  • Xưởng in xong hư mất 1 cái áo.
  • Bạn phải ship tiếp 1 cái áo nữa đến xưởng (20k).
  • Xưởng chấp nhận đền cho bạn cái áo bị lỗi và ship 5 chiếc thành công về nơi bạn đóng hàng (30k).
  • Sau đó bạn phát hiện họ in không đúng ý bạn.
  • Nhưng kệ đi, giờ trễ lắm rồi giao khách thôi, chửi tính tiếp.
  • Vì bán hàng online, ở Việt Nam này, cái chi phí shipping cho dù giá có 30k từ TP HCM –> Quảng Ninh, nhưng vẫn có nhiều khách không sẵn lòng trả và sẵn sàng boom hàng nếu có. Bạn sẽ free shipping cho khách. (30k).
Dịch vụ GHTK © Sưu tầm

Bạn có nhận ra điều gì không?

Bạn đã mất 100.000 cho tiền shipping rồi đấy. Đó là trường hợp mọi thứ suôn sẻ ổn định

Vd tiếp cho bạn cho bạn: giả sử bạn nhập áo: 80k, in mất 90k (tiền này ở đâu mình đã nêu ở trên), thì bài toán như vầy;

  • 80.000 (áo) + 90.000 (in) + 100.000 (shipping): 270.000 ~ cho một chiếc áo in.
  • Bạn phải bán chiếc áo này từ 320.000 đến 400.000 thì mới đủ lợi nhuận.
  • À quên mất, bạn phải tính chi phí quảng cáo vào nữa.

Và cứ thế giá lại tăng liên tục cho một đơn áo in.

Tóm lại: Có nhiều cách để cải tiến quy trình này cho một nhà bán hàng, nhưng nếu là một nhà bán hàng mới, đều này bất khả thi. Nhất là khoản thỏa thuận giữa bạn với xưởng in.

Ngoài 5 nguyên nhân trên còn có nhiều nguyên nhân nhỏ nữa, nhưng thực sự không quá bi quan như bạn nghĩ. Thương trường là chiến trường, cái gì càng khó thì càng ít người chơi, thì sân chơi sẽ rộng mở cho bạn khám phá.

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.