So sánh các công nghệ in áo thun phổ biến hiện nay

Bởi
In ấn
Cập nhật: 01/09/2018 12:29 am
Đã đăng: 31/05/2018 2:44 pm

Đâu là phương pháp HOÀN HẢO để tạo và in áo thun cho doanh nghiệp của bạn? Mỗi phương pháp đều có nền tảng kinh doanh khác nhau, nó quyết định rất lớn đến lợi nhuận, tốc độ in nhanh hay chậm, chất lượng thành phẩm, cũng như bạn có “hài lòng” hay không?

Dưới đây chúng tôi sẽ có một bài viết so sánh các phương pháp khác nhau và liệt kê một số ưu điểm cho từng loại, nó sẽ giúp ích rất nhiều cho ý tưởng hình thành doanh nghiệp của bạn trước khi bắt đầu kinh doanh. Có vài câu hỏi đơn giản như:

© dinosauriens.info

Tôi có không gian làm việc rộng bao nhiêu? Bạn sẽ thuê không gian mới hoặc cố gắng sử dụng không gian hiện có, một phòng ngủ trống hoặc nhà kho không sử dụng?

Loại không gian mà tôi có? Một số công nghệ in đòi hỏi phải thông gió, điều hòa nhiệt độ, khu vực riêng biệt, một số cần dọn dẹp không gian rộng rãi, một số thì không.

Ngân sách của tôi? Có một phạm vi giá rất rộng chênh lệch giữa các thiết bị in ấn trong ngành. Bạn có đủ khả năng chi trả, hoặc vay vốn tài chính không?

Bạn đã chọn cho mình ngách (niche) để kinh doanh? Liệu nó có phù hợp? Dễ hiểu tí, tôi có kế hoạch kinh doanh cho hoạt động thể thao và gym. Bạn cần có một thứ gì đó in trên đồ thể thao, ví dụ như vải polyester và đồ lót hút mồ hôi.

Tôi là người thích bừa bộn hay sạch sẽ? Tất cả các phương pháp in ấn đều tạo ra một chút lộn xộn, liệu bạn có chấp nhận.

Các phương pháp in ấn

Công nghệ in áo thun có khá nhiều lựa chọn để in ấn, tuy nhiên, để “thực sự” bước vào công nghiệp in ấn, đó là một câu chuyện rất nhiều chương nhiều tập. Tuy nhiên có vài phương pháp phổ biến mọi người tạo ra áo thun in, in trên vải:

  • In ép vinyl (Heat Transfer Vinyl)
  • In lụa trên vải (Screen Printing/Silk Screening)
  • In kỹ thuật số – trực tiếp lên vải (Direct to Garment)
  • In chuyển nhiệt (T-Shirt Transfer)

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu từng công nghệ để biết ưu và nhược điểm của chúng.

In ép vinyl

Từ tiếng Anh là “Heat Transfer Vinyl”, đây có thể là công nghệ in có khoản đầu tư ít tốn kém nhất cho các cá nhân/doanh nghiệp muốn tự sản xuất may mặc. Một máy cắt dòng thấp nhất có tầm giá $1300 (tránh xa các máy giá từ $200 – $300). Một ví dụ điển hình là dòng Graphtec CE6000, máy cho phép khuôn cắt vinyl đến 15″ (38.1 cm).

In ép vinyl © Printwear

Quá trình sản xuất dạng như sau:

  • Tạo mẫu thiết kế – sử dụng phần mềm đi kèm hoặc bất cứ phần mềm đồ họa nào bạn có (Photoshop, Corel Draw, Illustrator…)
  • Cắt vinyl (decal) – máy cắt sẽ cắt tự động mẫu thiết kế ra khỏi miếng decal.
  • Lột phần không cần thiết – Dùng một vật kim loại nhọn để lột các mảnh vụn không cần thiết, lưu ý các chi tiết nhỏ dễ bị bong theo nếp cắt.
  • Ép lên áo – Bạn chỉ dùng một máy ép nhiệt kích thước A3 là có thể ép được hầu hết các loại áo thun.

Điểm bất lợi: lớn nhất của phương pháp này: Thời gian. Rất mất thời gian và sự tỉ mỉ, tùy thuộc vào kích thước và độ phức tạp của thiết kế để tạo ra một chiếc áo, mặc dù thời gian in ra thành phẩm khá nhanh.

Ưu điểm: là bạn có thể in vinyl cho tất cả các loại sản phẩm; áo polyester, túi tập thể dục,…

In lụa trên vải

Từ tiếng Anh là “Screen Printing”, đây là công nghệ in truyền thống, phương pháp in phổ biến nhất khi in áo thun. Đây cũng là phương pháp in được nhiều áo nhất.

Tham khảo: In lụa là gì?

In lụa trên vải © iStockPhoto

Quá trình sản xuất dạng như sau:

  • Bạn tạo một bảng lưới cho mỗi màu bạn muốn in
  • Đổ mực lên từng tấm lưới theo màu sắc
  • Dùng một miếng cao su/chổi để gạt mực qua tấm lưới, mực sẽ xuyên qua tấm lưới dính lên bề mặt quần áo.
  • Lặp lại cho từng màu
  • Sử dụng máy sấy để làm khô mực

Lý do kiểu in lụa này phổ biến là bạn có thể bắt đầu một doanh nghiệp với khoản đầu tư nhỏ, chỉ với vài khuôn kim loại và vài màu sắc cơ bản. Phương pháp này có thể tạo ra nhiều bản in chất lượng cao, bền và tốn rất ít mực và chi phí.

Điểm bất lợi: phương pháp này không thể ứng dụng in số lượng nhỏ và nhiều màu sắc phức tạp.

  • Nếu in với số lượng ít, in lụa rất tốn kém
  • Mỗi bảng lụa phải được rửa sạch và lưu trữ sau khi sử dụng
  • Trang thiết bị khá lớn! Không thích hợp cho không gian nhỏ hẹp.
  • Không in được nhiều màu
  • Đòi hỏi nhân công lành nghề

Mở một doanh nghiệp in lụa là một lựa chọn có thể mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng bạn cần có nhiều không gian rộng rãi, chuẩn bị tâm lý cho cho mớ lộn xộn bừa bộn phương pháp này mang lại. Bạn sẽ mất đi nhiều khách hàng chỉ có nhu cầu in ấn ít dưới 50 áo hoặc mong muốn nhiều mẫu in có nhiều màu sắc rực rỡ như ảnh chụp.

In trực tiếp lên vải

Hay còn gọi là in kỹ thuật số, in DTG (Direct to garment) là công nghệ phun mực in trực tiếp lên quần áo, vải hoặc bất kỳ sản phẩm dệt may nào. Trong những năm đầu phát triển, công nghệ in này gặp vấn đề rất nghiêm trọng khi in trên các vải tối màu sử dụng mực trắng, máy in lại cần rất nhiều thời gian bảo trì. Nhưng gần đây mô hình này đã phát triển rất mạnh mẽ.

In trực tiếp lên vải © no-refresh.com

Có rất nhiều lợi thế khi sử dụng công nghệ này như khả năng in họa tiết chất lượng rất cao, đầy đủ màu sắc, có thể in được số lượng in ít, không cần phải chụp phim âm bản mẫu thiết kế. Quá trình hoạt động như sau:

  • Tiền xử lý áo (nếu trên các áo tối màu, bạn cần phải phun một lớp chất phủ, màu sáng không cần)
  • Đặt áo vào khuôn in (có 1 số máy in có thể in 4 áo 1 lúc)
  • Mở hình ảnh cần in bằng phần mềm RIP được cung cấp đi kèm và IN
  • Ép nhiệt chiếc áo khoản từ 1 đến 3 phút
  • Ngoài việc có được chất lượng in tuyệt đẹp, bạn có thể in từ 1 đến 50 áo mang lại khá nhiều lợi nhuận và cảm giác mềm mại công nghệ này mang lại

Dĩ nhiên ưu điểm thì sẽ có khuyết điểm,

  • Thường xuyên bảo trì – công việc cũng không khó lắm nhưng bạn PHẢI bảo trì máy in DTG mỗi ngày.
  • Không gian làm việc – cũng không cần quá lo lắng, tuy nhiên bạn nên trang bị một không gian kín có điều hòa nhiệt độ, và một nơi lưu trữ các bình mực in (tủ lạnh chẳng hạn). Mỗi bình mực tầm $300/l mực trắng và $150/l cho mực màu.
  • Khác biệt màu sắc – thật ra cũng giống như in lụa. Nhưng bạn cần phải nghiên cứu thêm kiến thức về màu sắc chênh lệch giữa thiết bị số (máy tính, điện thoại…) và máy in, có khác biệt kha khá giữa 2 hệ màu RGB và CMYK bạn cần phải biết.
  • Hạn chế – các máy in DTG được thiết kế để in trên chất liệu vải cotton và các nguyên liệu tự nhiên chưa qua xử lý. Điều này có nghĩa là không polyester, không đồ thể thao, và không vật dụng như cốc, dù, túi xách…
  • Giá thành – Một máy in DTG chuyên nghiệp có giá khởi điểm tầm $15000 trở lên. Bạn vẫn có thể tìm được một vài máy giá thành hợp lý hơn do trong nước sản xuất.

Đã có rất nhiều công ty sử dụng công nghệ DTG để hoạt động kinh doanh in ấn áo thun, bởi vì bạn có thể in 1 hoặc 2 áo với lợi nhuận khá tốt, màu sắc đầy đủ và chi phí không quá tốn kém.

In chuyển nhiệt

Công nghệ in chuyển nhiệt (T-Shirt Transfer) hiện nay được áp dụng khá rộng rãi trong nước, với công nghệ có thể in được trên tất cả các vật liệu như: ly, vải, vỏ điện thoại,.. đặc biệt là in chuyển nhiệt trên áo thun. In chuyển nhiệt là công nghệ sử dụng nhiệt độ cao và thuốc nhuộm rắn để tạo ra hình ảnh chất lượng cao. Khi in các yếu tố nhiệt độ bốc hơi mực lên tấm giấy được tráng phủ đặc biệt. Khi mực nguội đi nó lại cứng lại trên vải.

Tham khảo: In chuyển nhiệt là gì?

In chuyển nhiệt © amazon.co.uk

Quá trình sản xuất dạng như sau:

  • In mẫu thiết lên giấy in chuyển dụng.
  • Sử dụng thiết bị ép nhiệt để hình ảnh từ giấy chuyển nhiệt vừa in ra bám chặt vào vật liệu cần in

Dĩ nhiên vẫn có ưu điểm…

  • Bạn có thể in lên hầu hết vật liệu (100% Polyester, cotton, gỗ, túi xách, cốc, sách, nón…
  • Không cần phải cắt lông vải
  • Luôn in được màu sắc đầy đủ
  • Gần như không cần phải bảo trì
  • Có thể sử dụng tại nhà – bạn chỉ cần một cái bàn và một nơi để ép nhiệt
  • Giá thành – không phải phương pháp in rẻ nhất nhưng nó vẫn rẻ hơn 1/2 so với máy in DTG

… và nhược điểm

  • Chỉ cho chất lượng tốt trên vải sáng màu
  • Hình ảnh dễ bị bể khi bị kéo dãn
  • Chỉ có thể in theo file gốc, không tự điều chỉnh màu sắc
  • In được với số lượng ít

Các phương pháp kết hợp

Gần đây đã xuất hiện một phương pháp in kết hợp giữa công nghệ in lụa truyền thống và in kỹ thuật số DTG. Bạn có thể sử dụng máy móc đi liền với nhân công, có nguyên lý hoạt động được mô phỏng theo quy trình thủ công. Nhân công sẽ là người kiểm soát liên tục quá trình in trên máy in bán tự động. Máy sẽ quét một lớp mực màu trắng (kiểu kéo lụa), sau đó sẽ in DTG lên lớp trắng này. Phương pháp này sẽ tiết kiệm được mực trắng như các máy DTG in thông thường.

Ngoài ra vẫn có dàn máy in tự động hoàn toàn như các máy in của Kornit Digital, sử dụng công nghệ in DTG, bạn không phải làm gì ngoài bỏ áo vào và bấm nút, dĩ nhiên… cực kì đắt tiền.

Dòng máy Storm II của Kornit Digital © kornit.com

Lời kết

Thật sự không có phương pháp in nào HOÀN HẢO và đáp ứng cho mọi nhu cầu, tùy theo mô hình doanh nghiệp của bạn mà lựa chọn giải pháp thích hợp. Vd như:

– In lụa thích hợp cho in số lượng lớn, thời trang không đòi hỏi quá nhiều họa tiết phức tạp nhiều màu sắc
– In vinyl, chuyển nhiệt thích hợp cho in tại gia, số lượng ít.
– In kỹ thuật số (DTG), là giải pháp được hầu hết các doanh nghiệp lớn đầu tư hiện nay, vì nó là tương lai, thử tưởng tượng: bạn chỉ cần chạm vào một ứng dụng (app) trên điện thoại là đã có thể ra lệnh cho máy in thực hiện in ấn. Rất tuyệt không nào.

Bài viết có sử dụng tư liệu của nhiều tài liệu tại Pantograms.com


Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.