Epson SureColor SC-F3030 – Tân chiến mã ngành in kỹ thuật số

Bởi
In ấn, YAT News
Cập nhật: 07/10/2021 12:08 am
Đã đăng: 26/03/2021 11:39 am

Nếu bạn là đọc giả thường xuyên ở YAT, thỉnh thoảng mình có vài bài viết giới thiệu về máy in DTG rồi đúng không? Từ máy chế đến máy cỡ nhỏ dễ đầu tư. Hôm nay mình sẽ giới thiệu hoặc là review ngắn về một dòng máy in mới của hãng Epson. Do mình cũng thường xuyên in áo thun bằng máy Brother GTX nên ít nhiều cách vận hành và quy trình cũng biết kha khá. Đối tượng được nêu hôm nay là Epson SureColor SC-F3030.

© Talitaferraz.com.br

Rất cám ơn hỗ trợ của Fluxmall DTG, mình đã có dịp tận mắt quan sát trình diễn và hỏi nhiều câu hỏi mà mình vẫn hay thắc mắc với các chuyên gia.

Lưu ý: mình không kỹ sư, không phải thợ in, cũng chẳng phải chuyên gia chuyên nghiệp gì cả, nên nội dung bài viết này sẽ đứng dưới góc nhìn một người dùng bình thường, đam mê máy in và cảm nhận. Và vì mình là một designer nên mắt thẩm mỹ của mình khá khác biệt so với mọi người, đại ý là soi chi tiết đồ họa và màu sắc rất kỹ so với đại đa số. Sau bài giới thiệu ngắn này sẽ có một bài review thực tế rất chi tiết kết quả in trực tiếp lên vải của 3 loại vải áo phôi nổi tiếng nhất trên thị trường Việt Nam: Gold Rhino, Gildan và của công ty Thiện Chí.

“SC-F3030 được trang bị 2 đầu in PrecisionCore Micro TFP 2.6 inch, cho tốc độ và chu kỳ in ấn nhanh hơn so với mẫu SC-F2130 hiện tại. Máy in trực tiếp lên áo cấp độ công nghiệp đầu tiên của Epson hoạt động với Hệ thống Cung cấp Mực in Cỡ lớn dung tích 1500 ml cho mỗi gói mực, giảm thiểu việc thay mực thường xuyên, từ đó rút ngắn lịch trình sản xuất. Ngoài ra, SureColor SC-F3030 còn được phát triển với đầu in có thể tự thay thế để tối ưu hóa thời gian hoạt động, khách hàng sẽ không cần phải liên hệ và đợi kỹ thuật viên đến thay.

SC-F3030 có tính năng Điều chỉnh Khoảng cách Tự động, giúp dễ dàng chuyển đổi giữa các loại quần áo có độ dày khác nhau mà không cần sự can thiệp của con người, nhằm đảm bảo chất lượng in được ổn định. Sản phẩm có khả năng đáp ứng khối lượng in hàng tháng đến 10,000 áo.”

Phía trên là những lời quảng cáo hoa mỹ của Epson. Tin hay không tùy người sử dụng và những người đang có ý định “xuống sát” với dòng máy in DTG.

Giá: 1.100.000.000 (tham khảo ở đây)

© Epson

Tốc độ: Nhanh, nhanh lắm

Thật ra nếu bạn nào đã biết in DTG nó cực cỡ nào thì với nhiều công đoạn như: phun chất phủ, ép phẳng áo, in áo và cuối cùng là sấy khô và vài thao tác lặt vặt nữa. Mình tạm bỏ qua khoản lằng nhằng kia thì tốc độ in áo cực kì ấn tượng, chưa tới 1 phút là xong 1 áo đen cotton 100%. Xem video bên dưới nhe. (nếu chưa thấy là chưa upload lên youtube kịp).

Nếu so với GTX (loại thường) thì chắc x2 hoặc x3 lần. Mình chưa tiếp cận GTXPro, chờ xưởng nào mời qua vừa uống cafe vừa bình loạn. Vậy nếu tốc độ như vầy thì 50 – 80 hình in / giờ, 1.000 – 1.500 hình in / ngày, chắc khoản đó.

Nếu so với tốc độ thì thật sự cũng khá là bất công vì F3030 mới phát hành gần đây còn GTX đã vài năm rồi còn gì, GTXPro cũng năm 2020.

Mực in: giá hợp lý hơn

Đây là một điểm sáng giá nhất của F3030 so với các dòng máy DTG tầm trung trên thị trường Việt Nam. Brother GTX là dòng máy in ổn định, bền bỉ và đa năng và tốc độ,… tuy nhiên điểm yếu lớn nhất của nó là mực, mực in mắc một cách phi lý. Mực in đắt + khấu hao máy vào thì người bán áo buộc phải tăng giá áo in bù vào chi phí sản xuất.

Hiện nay ở Việt Nam Brother bao phủ hầu hết các xưởng in DTG, lẽ ra càng nhiều xưởng mua máy thì mực phải giảm đi. Đằng này mực thì vẫn giữ nguyên, máy thì cứ bán ngày càng nhiều. Do ông đại lý deal dở với nhà sản xuất hay do đại lý cố tình để giá mực như vậy?

Bên cạnh hệ thống mực dung tích lớn được thiết kế thông minh, dễ dàng thay thế và bảo trì, thì giá mực rõ khá ấn tượng: chi phí in một áo thun màu đen chỉ dưới 1 USD thì khá ấn tượng.

© Epson

Giá bao nhiêu?

Mình google vài site bán máy in toàn cầu thì tầm 150USD/lít (bất kể mực nào). Nếu so với của Brother là 220USD/lít khởi điểm. Khoảng chênh lệch này cực kỳ lớn.

Lưu ý: giá mực ở trên là ở thị trường Mỹ và toàn cầu, không phải ở Việt Nam, hãy hỏi đại lý cung cấp máy in để biết giá chi tiết. Giá ở Việt Nam với Epson có thể rẻ hơn vì hãng Epson đang có ưu đãi lớn ở thị trường mình, còn với Brother giá ngược lại, bài ca về mực này mình đi đâu cũng nghe cả, giá cứ cao hơn đi bán máu là làm sao?

Tại sao mực quan trọng?

Có một sự thật ít bạn biết: mấy hãng sản xuất máy in thật ra nó không bán máy in! Họ bán linh kiện phụ tùng, mực in và nhiều thứ linh tinh khác. Cái thứ làm bạn tiêu hao nhiều tiền nhất là mực, máy chỉ là một phần.

Mấy thứ linh tinh khác

Mình nhận định 2 điểm ở trên thôi nhé, mấy thứ linh tinh khác như cảm biến điều chỉnh độ cao, dễ dàng thay phụ tùng, dễ dàng thay đầu phun,… cái đó là chuyện của mấy đại gia nào đầu tư về tự cảm nhận. Máy mới phát hành sau đương nhiên tính năng và giải pháp sẽ tốt hơn máy cũ rồi.

Ngoài ra, mua cái máy in về bên cạnh nó còn máy ép, máy phun chất phủ, băng chuyền sấy, áo thun nguyên liệu,…

Lời kết

Mình hoàn toàn không thiên vị bên nào, mình chưa hề chê Brother GTX là máy in dở, ngược lại nó một máy in tốt, con máy bạn có thể tin tưởng giao gia sản cho nó, mình vẫn in nó hàng ngày thôi, đó là vì mình chưa tìm được giải pháp hay xưởng in khác ngon hơn thôi – đặc biệt máy in của hãng khác với giá rẻ hơn, in đẹp hơn.

Nhưng khoản mực của nó thì thôi miễn bàn, chừng nào hãng Brother không giảm được nhiệt về mực, thì hãng này vẫn là một hãng tồi, cho dù đại lý ở Việt Nam có dịch vụ hay ho cỡ nào thì cái khoản về mực bạn nên cân nhắc đến. Trưởng thành lên đi Bro!

Để mua máy Epson SureColor SC-F3030, bạn có thể liên hệ 2 nơi, họ là đại lý ủy quyền của Epson: Công ty TNHH Fluxmall DTGCông ty TNHH THN Việt Nam.

Mình sẽ có bài review 2 đại lý này trong tương lai nếu có cơ hội. Bạn có thể hỏi mình về máy, nhưng tốt nhất nên mua áo thun gì đó ủng hộ mình, còn giới thiệu mấy cái máy in này mình chả có hoa hồng hay hoa lài gì đâu. Liên hệ thẳng đại lý nhé.

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.