Sợi may mặc (Phần 3): Vải sợi đay là gì? Ứng dụng và tác động môi trường

Bởi
Bền vững, Vải
Cập nhật: 19/10/2022 12:53 pm
Đã đăng: 21/10/2022 8:00 am

Vải sợi đay là loại vải tự nhiên từ cây đay, còn có tên gọi khác quen thuộc hơn là vải bố.

Không phải tự nhiên vải sợi đay được coi là loại vải sợi bền vững và thân thiện với môi trường. Đầu tiên, loại vải thuần thực vật này có khả năng phân hủy sinh học, quá trình sản xuất ra nó cũng chỉ thải ra một lượng rất nhỏ khí CO2. Ngoài ra nó còn mang một vài lợi ích hữu hình mà những loại vải khác không hề có.

Đay là loại sợi tự nhiên phổ biến thứ hai chỉ sau bông. Tuy nhiên vải sợi đay không thường được dùng để may quần áo mà chỉ để làm đồ chứa hoặc dùng trong vật liệu công nghiệp.

Quy trình sản xuất vải đay?

Có một vài loại đay khác nhau, trong đó hai loại chính là đay trắng và đay tossa (tối màu hơn). Cây đay yêu cầu một vài điều kiện trồng trọt đặc biệt như kén đất, cần nhiệt độ ấm áp và có gió mùa ẩm hằng năm.

Trồng đay khá giống trồng lúa. Hơn 80% sản lượng đay trên thế giới đến từ đồng bằng sông Hằng. Ngoài ra, Trung Quốc, Myanmar và Thái Lan cũng là những quốc gia có sản lượng đay lớn.

Sợi đay được lấy từ phần thân và vỏ cây đay. Sau khoảng 4-6 tháng phát triển, khi cây đay đã ra hoa, người ta sẽ bắt đầu thu hoạch đay để lấy sợi. Lá cây cũng được dùng để chế biến như rau, trong khi đó các phần còn lại được tận dụng làm chất đốt hoặc vật liệu xây dựng.

Để làm ra một mảnh vải sợi đay hoàn chỉnh cần trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên phần thân cây đay sẽ được ngâm trong nước khoảng 20 ngày cho sợi đay tách khỏi gỗ. Tiếp theo là công đoạn tước sợi đay và kéo sợi trên khung dệt. Cuối cùng, để hoàn thiện sản phẩm, vải đay sau khi dệt sẽ được nhuộm, xử lý để chống cháy và chống thấm nước.

Ứng dụng của vải sợi đay

Vải sợi đay thô, bền, dễ gia công và thoáng khí có thể được dùng làm đồ may mặc, túi đựng, thảm hoặc nhiều đồ gia dụng khác.

1. Quần áo

Vì khá thô ráp nên vải sợi đay không phổ biến trong ngành công nghiệp may mặc, đặc biệt là ở các nước phương Tây. Tuy nhiên ở Ấn Độ hoặc một số nước Nam Á khác, đay là biểu tượng văn hóa lâu đời và vẫn được sử dụng để làm vải dệt quần áo.

Hầu hết các loại sợi đay đều có màu nâu nhạt, nhưng trong may mặc đay trắng thường được ưu tiên hơn.

Theo văn hóa Ấn Độ, vải sợi đay chỉ được sử dụng nhiều bởi tầng lớp bình dân do giá rẻ, hoặc dùng để may các bộ đồ ghillie_ một loại quân phục cũ dành cho các tay súng bắn tỉa để dễ ngụy trang.

Tuy nhiên ngày nay, cùng với sự sáng tạo và phát triển của thời trang, vải đay dần xuất hiện trong phân khúc thời trang cao cấp, đặc biệt được đánh giá cao vì tính bền vững và thân thiện với môi trường.

2. Thủ công mỹ nghệ, nội thất và hơn thế nữa

Công dụng của vải đay không chỉ dừng lại ở việc làm đồ may mặc. Từ rất lâu về trước, con người đã quá quen thuộc với những chiếc bao bố làm từ vải đay hessian dùng để trữ đồ và vận chuyển các loại hàng hóa như trái cây, rau củ, ngũ cốc, …

Loại vải đay hessian thoáng nhẹ này cũng được sử dụng như một chất cách nhiệt hay dùng trong nông nghiệp để bảo vệ đất, chống xói mòn, cỏ dại, bảo vệ hạt giống. Trong một vài trường hợp người ta còn dùng vải đay để bảo vệ rễ cây non. Do có khả năng phân hủy sinh học và mắt dệt thưa nên rễ cây non sẽ dễ dàng vươn dài xuyên qua lớp vải.

Nhiều đồ nội thất như bọc ghế, thảm, rèm cửa và các vật dụng gia đình khác cũng được làm từ vải sợi đay. Chính cách dệt thưa của vải đay đã tạo cho nó một kết cấu đặc biệt và bắt mắt, rất thích hợp để tạo điểm nhấn cho nội thất trong nhà.

Và mặc dù có thể nhuộm nhưng người dùng đa số vẫn ưu tiên màu sắc vàng nâu rám nắng của sợi đay tự nhiên hơn.

Tác động môi trường

Vải đay hiện nay được ưu ái không chỉ bởi tính linh hoạt mà còn do những lợi ích môi trường mà nó mang lại. So với bông, quá trình trồng đay yêu cầu rất ít, thậm chí là không cần thuốc trừ sâu và phân bón hóa học. Ngoài ra, theo ước tính, một hecta đay hấp thụ khoảng 15 tấn khí CO2 và thải ra 11 tấn Oxy, có khả năng lọc sạch không khí hiệu quả.

Phần rễ và lá của cây đay cũng có thể được tận dụng làm chất đốt hoặc ủ thành phân bón giúp tăng hàm lượng dinh dưỡng và độ phì nhiêu của đất. Đặc biệt lá đay do chứa nhiều vitamin C và sắt, giàu chất chống oxy hóa nên thường được dùng làm thức ăn, cũng như là phương thuốc quen thuộc được người dân Ấn Độ sử dụng trong phương pháp chăm sóc sức khỏe Ayurvedic.

Sản xuất vải đay nhìn chung ít ảnh hưởng tới môi trường hơn các loại vải sợi tổng hợp khác. Quy trình sản xuất các loại sợi tự nhiên như đay, lanh hay gai dầu đều thải ra lượng khí CO2 rất thấp và có thể dễ dàng gia công thủ công, không cần hóa chất hay công nghệ đặc biệt để kéo sợi.

Tương lai của vải đay

Ngoài những ưu điểm kể trên, vải đay cũng có nhiều mặt hạn chế. Thứ nhất phải kể đến tính chất của vải. Vải đay dễ giòn, dễ bị xù, rụng sợi và đổi màu dưới ánh mặt trời. Sợi đay to và thô ráp, dệt thưa cũng khiến nó mất điểm trong ngành công nghiệp may mặc.

Tuy nhiên, hiện nay người ta đã tìm ra cách xử lý vải đay với enzyme để giảm bớt độ thô ráp của nó. Sợi đay sau khi được xử lý với enzyme sẽ mềm mại và dễ nhuộm màu hơn, màu sắc bền và có độ sáng so với sợi đay tự nhiên, từ đó giúp vải sợi đay dễ dàng được ứng dụng trong sản xuất đồ may mặc.

Với xu hướng bền vững đang ngày càng phổ biến, các loại vải sợi thân thiện với môi trường nghiễm nhiên sẽ được cả các nhà thiết kế và người tiêu dùng ưu tiên. Vải đay cũng từ đó trở nên đa dạng và có giá trên thị trường tiêu dùng. Trong tương lai với các kỹ thuật xử lý tiên tiến cộng thêm độ sáng tạo của con người, vải sợi đay nhiều khả năng sẽ trở thành vật liệu chủ đạo trong ngành công nghiệp may mặc, thay cho những loại vải sợi tổng hợp kém bền vững hiện nay. 

Nguồn: Lost Bird
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.