Từ lâu, thời trang đã luôn là một lĩnh vực phải đón nhận không ít chỉ trích về vấn đề hủy hoại môi trường mà nó ảnh hưởng. Đặc biệt hơn, với sự cảnh giác ngày càng tăng cao của xã hội về mối an nguy Trái Đất, thời trang cần phải nỗ lực ‘xanh’ hóa bản thân để có thể giảm thiểu thiệt hại mà mình mang lại. Những nghiên cứu, tìm tòi các chất liệu bền vững mới đã được thực hiện, và cho đến nay, họ đã tìm ra 6 loại vải bền vững được hứa hẹn sẽ đem lại sắc xanh quen thuộc vốn có cho hành tinh này.
Từ “thời trang mì ăn liền” (fast fashion) cho đến chất liệu cotton, chính quy trình sản xuất và tiêu thụ thời trang của chúng ta đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và mối an nguy chung của cả Trái Đất. Đứng trước viễn cảnh ấy, thời trang đang cố gắng thay đổi từng ngày. Những vị khách bắt đầu mua đồ chọn lọc hơn, cảnh giác với chất liệu quần áo hơn, mua ít đi và tái chế quần áo một cách triệt để. Các doanh nghiệp, nắm bắt được tâm lý này, cũng bắt đầu khắt khe hơn với chấ t liệu vải mình sử dụng, và không ngừng tìm kiếm những loại vải bền vững cho sản phẩm của họ. Sự nỗ lực này đã đạt được những thành công nhất định, và 6 chất liệu vải sau đây hứa hẹn sẽ có thể đem lại ảnh hưởng tích cực cho môi trưởng và Trái Đất.
1. “Da” dứa (thơm)
“Da” thực vật và trái cây, được làm từ những nguyên liệu thải, đang bắt đầu nhận được sự chú ý từ cộng đồng thời trang. Một trong số đó có thể kể đến Piñatex, loại chất liệu làm từ những chiếc lá của cây dứa trồng tại Philippines. Quá trình sản xuất “da” từ lá này hoàn toàn không độc hại đến môi trường, khi chúng không cần quá nhiều nước và không sử dụng bất cứ hóa chất gây hại nào nào cho thiên nhiên. Ngoài ra, những chất thải của lá sau khi sản xuất cũng có thể được tái chế và sử dụng để làm phân bón, và khí hóa sinh. Hiện nay, chất liệu này đang được sử dụng để làm vải bọc ghế cho phòng khách sạn vegan đầu tiên tại London, thuộc khách sạn Hilton Bankside.
2. Len
Mặc dù không phải trang trại wool nào cũng có thể đảm bảo chất lượng về phúc lợi, và nhiều tổ chức bảo vệ động vật, như PETA, đã lên án về vấn nạn đạo đức của những nơi này, len wool vẫn là một chất liệu vải bền vững cần được phát triển. Chúng có thể tái tạo dễ dàng, sử dụng bền chắc và phân hủy sinh học. Ngoài ra, quy trình sản xuất len wool từ lông cừu sẽ cô lập nhiều CO2 trong không khí, góp phần giảm thiểu ảnh hưởng mà loại khí này có thể mang lại cho quá trình nóng lên toàn cầu (global warming). Tính bền bỉ và chắc chắn của chất liệu này cũng là một điểm cộng rất lớn: wool có thể chống được cháy lẫn thấm nước. Chính vì vậy, vải wool có thể mặc lâu bền qua thời gian.
3. Protein răng mực
Phỏng sinh học – quá trình tìm kiếm cảm hứng từ thiên nhiên nhằm cải tiến hoạt động con người – đang được áp dụng rất nhiều từ các lĩnh vực khác nhau như kỹ thuật, kiến trúc và y dược. Giờ đây, các nhà sản xuất vải và thiết kế thời trang cũng đang bắt đầu tìm cách áp dụng những quy trình sẵn có trong tự nhiên vào chính công việc của mình. Sở dĩ như vậy, đó là vì các quy trình tự nhiên thường cần ít năng lượng vận hành hơn; chỉ khoảng 5 polymer, ví dụ, hoặc một số chuỗi phân tử dài thường được sử dụng trong thế giới tự nhiên, trong khi con người đã phải tạo 350 chuỗi khác nhau cho quá trình sản xuất. Gần đây, những nhà khoa học tại trường Đại học Pennsylvania State University đã khám phá ra một loại protein có trong răng vòng của loài mực, một bộ phận nằm trong các giác mút trên xúc tu của mực. Dưỡng chất này được cho biết có tác dụng tạo nên lớp bọc fiber giúp quần áo trở nên bền chắc hơn. Loại protein này còn có khả năng tự hồi phục. Hiện nay, chúng đang được thử nghiệm tại các phòng nghiên cứu và hứa hẹn sẽ được áp dụng vào quy trình sản xuất công nghiệp, giúp tạo ra những món thời thời trang có thể tái chế, phân hủy sinh học và sử dụng bền lâu hơn.
4. Cotton chất lượng cao
Thật sự, quy trình sản xuất và thu hoạch cotton sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu, hóa chất cũng như hàng tấn lit nước – một tổn thất rất lớn cho môi trường. Tuy nhiên, quy trình có thể được cải thiện, và cân nhắc vấn đề môi trường một cách nghiêm túc hơn. Dự Án Cotton Chất lượng Cao (Better Cotton Initiative) chính là một ví dụ điển hình: các nông dân trồng bông vải được hỗ trọ trong việc chăm lo nguồn nước, đất canh tác và môi trường sống tự nhiên với sự chỉ dẫn tường tận. Hiện tại, Dự án này chịu trách nhiệm cho 12.5% tổng khối lượng cotton của thị trường. Ngoài ra, những khách hàng sử dụng chất liệu cotton cũng có thể cảnh giác hơn trong việc lựa chọn quần áo của mình bằng cách tìm đến những nhà bán lẻ được chứng nhận Tiêu chuẩn Vải Hữu cơ Toàn cầu (Global Organic Textile Standard – GOTS). Vải có chứng nhận này không dùng các phân bón và thuốc trừ sâu độc hại đến môi trường và con người.
5. Linen
Linen (vải lanh) được làm từ các sợi của cây lanh (flax plant). Chất liệu này đã được sử dụng từ thời xa xưa, giai đoạn Ai Cập cổ nhờ vào tính bền chất và khả năng giữ thông thoáng, thấm nước của mình. Ngày nay, cây lanh được trồng tại những địa điểm thuận lợi cho việc giao thương hơn – Châu Âu (gần 3/4 số lượng cây lanh được trồng tại EU), nhưng loài thực vật này rất dễ trồng. Chúng không cần thuốc trừ sâu, phân bón và cần ít nước hơn nhiều so với cotton. Vải lanh cũng không làm hại đất chất lượng đất canh tác như cotton. Chất liệu linen vô cùng chắc chắn nên bạn có thể sử dụng dài lâu qua nhiều năm liền; loại vải này cũng khô nhanh hơn cotton và các chất liệu khác.
6. Lyocell và các loại sợi tự nhiên khác
Hiện nay, xã hội đang trở nên quan ngại hơn với việc sử dụng sợi vải nhân tạo vì khi giặt những loại vải này, chúng sẽ để lại những vi sợi (microfibre) len lỏi trong nước giặt. Và rồi, nước này lại thải trở vào tự nhiên cùng các vi sợi ấy, gây ô nhiễm môi trường sống cho nhiều động vật, kể cả con người. Chính vì lý do ấy, nhu cầu tìm đến những chất liệu thuần tự nhiên trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chất liệu có thể đáp ứng được nhu cầu này là Lyocell, được làm từ cellulose của bột gỗ. Loại vải này được sản xuất bởi thương hiệu Tencel thuộc một công ty Áo. Với Lyocell, sợi vải có thể phân huy sinh học và quy trình sản xuất cũng không ảnh hưởng lớn đến môi trường. Trong đó, nước thải được tái chế, và không một hóa chất độc hại nào được sử dụng. Ngoài Lyocell, hemp ( từ cây gai dầu) cũng là một chất liệu vải bền vững khác không ảnh hưởng xấu cho môi trường. Một số nhà thiết kế còn sử dụng nút chai, tre hay thậm chí là rong biển để làm ra những bộ quần áo thân thiện với môi trường.