Sợi may mặc (Phần 2): Vải nhung có thân thiện với môi trường không?

Bởi
Bền vững, Vải
Cập nhật: 27/12/2023 10:44 am
Đã đăng: 19/10/2022 8:00 am

Không ai biết chính xác vải nhung xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết suốt nhiều thế kỷ qua, bộ đôi nhung và lụa vẫn luôn là đại diện cho sự sang trọng, giàu có và quyền quý.

Trước đây, vì chỉ được làm thủ công từ lụa tơ tằm nên nhung thường rất đắt đỏ, chỉ dành cho vua chúa hoặc tầng lớp quý tộc giàu có sử dụng. Ngày nay, dưới sự trợ giúp của kỹ thuật hiện đại tạo ra nhiều loại nhung từ các chất liệu khác nhau như cotton, polyester rẻ tiền và phổ biến hơn, vì thế vải nhung bắt đầu xuất hiện rộng rãi trong nhiều lĩnh vực của đời sống như thời trang, nội thất, …, phù hợp với mọi đối tượng tiêu dùng.

© Buyandslay.com

Tuy nhiên, cho dù là tơ tằm, bông hay polyester thì đều không đạt tiêu chuẩn của sự bền vững. Hãy cùng tìm hiểu cụ thể về tác động môi trường của từng loại vải nhung qua những thông tin dưới đây.

1. Tổng quan về vải nhung

Vải nhung truyền thống (Velvet) được sử dụng để gọi loại vải nhung được dệt hoàn toàn từ lụa tơ tằm, là loại nhung cao cấp nhất, mềm mại, có độ bóng, mỏng và nhẹ. Kỹ thuật dệt loại nhung này đã được người Ai Cập sử dụng từ những năm 2000 trước công nguyên. Vải nhung ngày nay với sự pha trộn giữa tơ tằm, cotton, sợi len hoặc polyester được gọi là Velveteen. Nó gần như thiếu đi độ bóng và độ mềm so với Velvet.

Mặc dù các tài liệu ghi chép về loại vải này đã được tìm thấy từ thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, nhưng người ta chỉ thực sự chú ý đến nó khi nó được sử dụng trong tòa án Syria. Mãi cho đến thế kỷ 14, Velvet mới xuất hiện ở Châu Âu và mảnh vải nhung đỏ đầu tiên thuộc quyền sở hữu của giáo hoàng Ý.

2. Tác động môi trường của vải nhung

Chính vì kỹ thuật dệt đặc biệt để tạo ra kết cấu bề mặt nhiều sợi ngắn, mềm mịn mà vải nhung sử dụng sợi nhiều gấp 6 lần các loại vải dệt khác. Tuy nhiên, điều quyết định nó có bền vững hay không nằm ở chất liệu sợi dệt.

Với Velvet có nguồn gốc từ tơ tằm, người ta phải đợi con tằm nhả tơ (hay thực chất là các sợi protein) để tạo kén. Theo cách truyền thống, người ta sẽ luộc con tằm trong nước sôi để ngăn sợi tơ bị đứt ra trong quá trình tằm phá kén trở thành bướm. Điều này đã làm dấy sự phản đối của cộng đồng những người sống thuần chay.

Với các loại nhung pha cotton hay nhung tổng hợp từ polyester, mặc dù giải quyết được vấn đề nhân đạo nhưng chúng cũng gây ra những tác động môi trường không nhỏ.

Thứ nhất là với vải nhung pha cotton, bài viết trước đây về tác động môi trường của thời trang thuần chay đã chỉ rõ ngành trồng bông sử dụng rất nhiều thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, gây ô nhiễm môi trường nặng nề và là nguyên nhân làm giảm chất lượng đất.

Vải nhung tổng hợp từ sợi polyester có nguồn gốc từ dầu mỏ tuy giá thành thấp hơn nhưng cũng lại là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm hạt vi nhựa khắp nơi trên Trái Đất.

Nhìn chung, loại vải nhung được coi là bền vững nhất là nhung được làm từ sợi cotton hữu cơ. Loại sợi này vừa thuần chay, vừa không gây ra vấn đề ô nhiễm vi nhựa, cũng như giảm thiểu ô nhiễm thuốc trừ sâu và phân bón hóa học trong quá trình trồng bông.

3. Tương lai bền vững của vải nhung

Vì nhu cầu sử dụng vải nhung ngày càng phổ biến, để giải quyết những vấn đề môi trường của các loại vải nhung truyền thống, nhiều công ty sản xuất hiện nay đang nghiên cứu các sản phẩm nhung từ sợi cotton hữu cơ pha sợi tre. Loại vải nhung này thường có giá thành chỉ ngang với vải nhung tổng hợp do tre là loài cây dễ trồng và có tốc độ phát triển nhanh, nhưng lại thân thiện với môi trường, và bền vững hơn rất nhiều.

Nguồn: Lost Bird
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.