Sự thật đằng sau cái gọi là “cotton hữu cơ”

Bởi
Thời trang
Đã đăng: 27/08/2022 6:40 pm

Nội dung bản dịch từ New York Times có 2 phiên bản, đây là phiên bản dài và đủ ý nghĩa đăng ở Kenh14.vn. Bạn có thể xem phiên bản ngắn ở liên kết này

Michael Kors bán những chiếc hoodie nữ với lời quảng cáo được làm từ sợi bông hữu cơ (hay bông/cotton organic) và sợi polyester tái sử dụng với mức giá cao hơn bình thường khoảng 25 đô. Tại hãng Urban Outfitters, chiếc quần nỉ cùng thiết kế sẽ được bán với giá cao hơn bình thường khoảng 46 đô nếu nó được làm từ cotton hữu cơ. Tommy Hilfiger cũng vậy, chiếc áo thun từ bông hữu cơ sẽ được bán với giá cao hơn 3 đô so với loại bình thường.

“Những sản phẩm này được làm từ sợi bông hữu cơ độc lập, được chăm sóc mà không có thuốc trừ sâu, phân hóa học và công nghệ biến đổi gene,” – trích trong mô tả sản phẩm.

Sơ bông trên tay người nông dân.

Với xu hướng ngành thời trang đang ngày càng hướng đến cam kết phát triển bền vững, “cotton hữu cơ” giống như một cách để các thương hiệu tỏ rõ giá trị của mình, cũng như thu hút những khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền để… có trách nhiệm hơn với môi trường.

Vấn đề ở đây là: Hầu hết các mặt hàng “cotton hữu cơ” bày bán trên kệ, chưa chắc đã thực sự là “hữu cơ”.

Hiện tại, nơi sản xuất cotton hữu cơ lớn nhất nằm ở Ấn Độ, chiếm tới phân nửa lượng cotton hữu cơ trên toàn cầu và cũng là nơi vận chuyển nó mạnh mẽ nhất. Theo số liệu từ Textile Exchange – nhà sản xuất các vật liệu hữu cơ tại Ấn Độ, sản lượng cotton họ tạo ra ở Ấn Độ đã tăng 48% trong năm 2021, bất chấp Covid-19.

Một cánh đồng bông hữu cơ tại Ấn Độ.

Tuy nhiên theo NY Times trích dẫn nguồn tin từ Ấn Độ, phần lớn sự tăng trưởng này là một sự giả tạo.

Cội nguồn của vấn đề nằm ở hệ thống cấp chứng nhận thiếu minh bạch với rất nhiều cơ hội để làm giả. Với khách hàng, bông có hữu cơ hay không là do… nhãn hàng bảo thế, và niềm tin ấy phụ thuộc vào con tem chứng nhận từ các tổ chức đứng ra đảm nhiệm. Nhưng những người này lại dựa vào báo cáo thiếu minh bạch của các doanh nghiệp điều tra địa phương, với kết luận được đưa ra chỉ qua một lần giám định/năm, hoặc vài lần đến kiểm tra ngẫu nhiên.

Những tháng gần đây, uy tín của các cơ quan thẩm định ở Ấn Độ đã sụp đổ. Tháng 11/2021, Liên minh châu Âu (EU) bỏ phiếu không chấp nhận vật liệu hữu cơ xuất khẩu từ Ấn Độ, nếu chúng được chứng nhận bởi các tổ chức như Control Union, EcoCert và OneCert. Và trong tháng 1/2022, OneCert bị rút quyền giám định cũng như cấp chứng nhận cho sản xuất cotton hữu cơ.

Crispin Argento, giám đốc điều hành của Sourcery – công ty tư vấn về nguồn cotton hữu cơ cho các nhãn hàng – đã dành nhiều năm để tìm nguồn cotton chuẩn, để rồi chứng kiến các nhà cung cấp “lẩn như trạch” mỗi khi bắt đầu hỏi đến chứng nhận. Ông ước tính khoảng 1/2 – 4/5 các sản phẩm gắn mác “cotton hữu cơ” từ Ấn Độ là giả. Và với khối lượng cung cấp khổng lồ, có thể nói chuỗi cung ứng toàn cầu về mặt hàng này đều có ảnh hưởng.

Ảnh: New York Times.

Suốt gần một thập niên qua, đã có nhiều báo cáo cho rằng ngành công nghiệp bông hữu cơ tại Ấn Độ đã rơi vào khủng hoảng từ lâu, nhưng vấn đề bị che giấu trong mắt công chúng. Các tổ chức phi chính phủ sợ rằng nếu để lộ ra sẽ dẫn đến sự sụp đổ của toàn ngành công nghiệp, vô tình ảnh hưởng đến các trang trại cỡ nhỏ minh bạch làm cotton hữu cơ. Họ cũng sợ nó ảnh hưởng đến chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi vốn đã rối ren vì chống Covid kém hiệu quả.

Một số khác thì thu lợi cực khủng nhờ vào hệ thống chứng nhận mù mờ này, nên dĩ nhiên họ cũng không nói ra.

Khi đối mặt với những cáo buộc lừa đảo người tiêu dùng, nhiều nhãn thời trang lớn – như Tommy Hilfiger đang sử dụng bông từ Ấn Độ đã thừa nhận rằng hệ thống này không hoàn hảo. Tuy nhiên, họ cam kết sản phẩm của mình sử dụng bông hữu cơ thật sự, và vấn đề không xảy ra với chuỗi cung ứng của họ. Michael Kors và Urban Outfitters thì không có bình luận gì.

Dẫu vậy, vẫn có 1 nhãn hàng quyết định nhìn thẳng vào sự thật – Eileen Fisher, thương hiệu thời trang nữ. Họ đăng đàn tuyên bố sẽ dần không sử dụng các loại cotton hữu cơ nữa, dựa trên một thực tế không thể chối bỏ.

“Lượng cotton hữu cơ bán ra mỗi năm vượt xa cả khả năng thực sự để trồng và sản xuất chúng nó,” – trích trong thông báo của thương hiệu này.

Cú lừa đến từ nguồn sống duy nhất

Tại tỉnh Khargon, bang Madhya Pradesh – một trong những nơi sản xuất cotton hữu cơ có chứng nhận lớn nhất Ấn Độ, người nông dân xem bông là một điều kỳ diệu, giống như vàng trắng của tự nhiên suốt nhiều thế hệ.

“Bông là thứ nuôi sống chúng tôi,” – ông Niyaj Ali (60 tuổi) tại làng Chandanpuri cho biết. “Nó mang lại nguồn sống và công việc cho tất cả – nhân công trên đồng, học phí cho lũ trẻ, và thịt cho bữa ăn.”

Cuối thập niên 1990, thời điểm bông được trồng không có thuốc trừ sâu hoặc phân bón hoá học hiếm đến mức được mua độc quyền bởi các thương hiệu lớn, 2 công ty Thụy Sĩ đã tạo ra tổ chức bioRe Foundation để hỗ trợ sản xuất cotton hữu cơ tại Madhya Pradesh.

Ảnh: New York Times.

Cách đây 4 năm, các nhân viên của bioRe đến làng Chandanpuri và tuyên bố rằng nếu nông dân có thể chuyển những cánh đồng trồng bông của mình thành tiêu chuẩn hữu cơ, họ sẽ cung cấp hạt giống và các khóa huấn luyện để họ thực hiện điều đó, từ chuyện sử dụng phân hữu cơ cho đến thuốc trừ sâu có nguồn gốc thiên nhiên. Đi kèm là cam kết sẽ mua toàn bộ, bất kể họ sản xuất được bao nhiêu cùng mức giá cao hơn cả bông truyền thống.

Ông Ali cùng 9 nông dân khác đồng ý. Dưới góc nhìn của họ, hạt giống cây bông biến đổi gene khá đắt đỏ và dễ khiến đất đai kém màu mỡ, trong khi phân bón cùng thuốc trừ sâu hóa học lại độc hại. Họ thực sự muốn trở về với các phương pháp thuận tự nhiên hơn, nhất là khi bông hữu cơ cho nguồn lợi lớn hơn.

Năm 2019, ông Ali bắt đầu chuyển đổi cánh đồng của mình theo chuẩn hữu cơ. Mùa thu năm 2021, ông đã thể thu hoạch đợt bông đầu tiên của mình. Bi kịch thay, nó thấp hơn rất nhiều so với phương pháp truyền thống, do chi phí bỏ ra vượt xa so với số tiền chênh mà bioRe trả cho họ.

“Tôi sẽ phải hủy chuyện này vì thua lỗ,” – ông Ali nói tiếp. “Các nhãn hàng kiếm được rất nhiều tiền, nhưng số tiền ấy không dành cho chúng tôi.”

Điều mà những người nông dân ở đây không biết, đó là việc trồng bông mà không có thuốc trừ sâu cũng như phân bón hóa học sẽ cho sản lượng trung bình thấp hơn khoảng 28%. Hạt giống bông organic cũng cho sợi bông ngắn hơn, chất lượng thấp hơn. Và đặc biệt, ngày càng nhiều nhãn hàng đang sử dụng lợi thế thị trường để hạ giá cotton hữu cơ xuống bằng mức thông thường, thậm chí là rẻ hơn vì chất lượng sợi bông thấp hơn.

Aashish Joshi, người giám sát dự án bông hữu cơ tại Ấn Độ hiểu rằng chi phí khách hàng bỏ ra cho các sản phẩm bông hữu cơ hiếm khi thực sự được trả cho người nông dân. “Tôi có thể nói rằng có người đang hưởng lợi, nhưng là những người lợi dụng để lừa đảo.”

Khi chi phí bảo hiểm cạn kiệt, các doanh nghiệp buôn bông hữu cơ phá sản, để lại hệ quả là hàng loạt các nhà kho trống rỗng ở Madhya Pradesh. Nhưng ngay cả khi giá bông hữu cơ tăng lên – đặc biệt là vào năm 2021 do nhu cầu gia tăng – và người nông dân lại bị thuyết phục tham gia dự án, phần lớn số tiền có được lại vào tay những kẻ trung gian cơ hội tìm cách bán bông thường đi kèm chứng nhận cotton hữu cơ.

Cầu vượt cung mà vẫn đủ tăng trưởng?

Theo báo cáo của Textile Exchange – tổ chức thành lập năm 2002 để quảng bá cho sự phát triển bền vững, lượng cotton hữu cơ sản xuất tại Ấn Độ đã tăng gấp đôi trong vòng 4 năm qua. Tuy nhiên dựa trên lượng hạt giống quá giới hạn, các nhà nghiên cứu nhận định lượng cotton hữu cơ bán ra như vậy là không thể đạt được.

“Đơn giản là không có đủ hạt giống,” – ông Joshi từ bioRe cho biết.

“Chúng ta đối mặt với tình huống nhu cầu gia tăng trong khi nguồn cung giảm xuống, và hệ thống chứng nhận bằng giấy trắng mực đen. Nghĩa là sao? Là có một thị trường làm giả giấy tờ!” – theo Hilde van Duijn, giám đốc điều hành của Organic Cotton Accelerator.

Chứng nhận bông hữu cơ được… chép vào sổ tay, không có cơ sở dữ liệu chung nào cả.

Arun Ambatipudi, giám đốc điều hành của Chetna Organic – một trong số ít những nhà cung cấp giải pháp phi lợi nhuận về cotton hữu cơ cho nông dân tại Ấn Độ – có chung nhận định. “Gian lận đã xảy ra.”

Có 2 con đường kết nối chuỗi cung ứng dài đằng đẵng giữa nông dân trồng bông và người tiêu dùng, đó là các tổ chức phương Tây cung cấp chứng nhận cotton hữu cơ, và cơ quan thẩm định tại địa phương. Trong đó, chuẩn vàng của nhãn cotton hữu cơ đến từ một công ty của Đức, mang tên Chuẩn hữu cơ dệt may toàn cầu (GOTS) được thành lập vào năm 2006.

Tại Ấn Độ và nhiều quốc gia sản xuất cotton hữu cơ khác, GOTS và Textile Exchange sẽ đứng ra chứng nhận từ khâu hạt giống. Mỗi khi bông được đưa vào chuỗi cung ứng, họ sẽ cấp giấy chứng nhận giao dịch. Tuy nhiên, cả 2 tổ chức trên đều không tự mình thẩm định, mà sử dụng các cơ quan giám sát địa phương như OneCert, EcoCert…

Các cơ quan này sẽ đến từng trang trại, kiểm tra độ ô nhiễm biến đổi gene của hạt giống, và mỗi năm 1 lần đến để xác nhận các công đoạn từ trồng trọt cho đến kéo sợi. Sau đó, họ sẽ cung cấp chứng nhận để gửi cho GOTS cũng như Textile Exchange, rồi chuyển đến những cơ sở sản xuất quần áo để giao lại cho các nhãn hàng.

Một cơ sở kéo sợi bông organic.

Những người trong ngành gọi hệ thống này là “giao dịch giấy tờ”. Thực tế thì chẳng có gì ngăn được các cơ sở ở từng khâu “đính kèm” một vài lô cotton truyền thống dưới danh nghĩa hữu cơ, rồi thay đổi chứng nhận để khớp với số lượng. Các cơ quan giám sát chỉ đến 1 lần mỗi năm để kiểm tra, và họ cũng không khám hết toàn bộ quá trình vận chuyển. Ngoài ra, cũng chẳng có cơ sở dữ liệu chung nào để giám định số chứng nhận cả – nghĩa là cùng một con số có thể dùng cho các lô hàng khác nhau mà chẳng ai biết.

Bằng cách này, lượng cotton hữu cơ được chứng nhận có thể tăng gấp đôi, gấp 3, thậm chí gấp 4 lần khi đưa vào chuỗi cung ứng.

Năm 2009, cơ quan xuất khẩu nông nghiệp Ấn Độ phát hiện ra sai phạm ở quy mô lớn đối với chuỗi sản xuất bông, khi rất nhiều ngôi làng sử dụng bông biến đổi gene nhưng gắn nhãn organic. Chính phủ khi đó hứa sẽ ban hành phần mềm theo dõi sau 1 năm, nhưng nó chưa từng xảy ra.

Thêm vào đó, các cơ quan giám sát thường chỉ xét nghiệm mức biến đổi gene để xác định bông có phải hàng hữu cơ hay không, mà chẳng hề động chạm gì đến xét nghiệm thuốc trừ sâu cả, thao NY Times nhận định.

Nguồn: Kenh14
Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.