Máy in DTG tại Việt Nam – Sự thật ít người biết

Bởi
In ấn
Cập nhật: 20/10/2019 1:12 pm
Đã đăng: 09/04/2019 1:41 pm

Phải rất đắn đo mình mới ngồi viết bài viết này, đây là những kiến thức thực tế mình tích cóp được trong quá trình trải nghiệm và kinh doanh máy in, dịch vụ in áo thun tại Việt Nam. Có thể bài viết này sẽ mang lại phiền phức cho mình chút ít.

© YAT

Mình tham gia lãnh vực may mặc không lâu, không phải chuyên gia và đào tạo về lĩnh vực liên quan. Tuy nhiên có một sự may mắn nên mình gặp được nhiều người rất kinh nghiệm chỉ bảo nên kiến thức cũng tương đối ổn. Bạn nào muốn tìm hiểu sâu về YAT và founder thì hãy tìm đọc seri “Đi tìm chiếc áo thun tốt nhất Việt Nam” nhé.

Lưu ý: bài viết mình nhận định theo góc nhìn cá nhân không phản ánh hết toàn thị trường. Nội dung bài viết cũng chỉ phân tích ở góc nhìn kinh doanh, không chuyên sâu kỹ thuật. Bài viết khá dài, các bạn đọc cứ nghiên cứu.

Tổng quan

Ngành in áo thun hay in áo trên vải ở Việt Nam có thể chia làm 2 loại: in truyền thống và in kỹ thuật số (in số). In truyền thống mình không bàn vì đây là thế mạnh của Việt Nam. In kỹ thuật số thì mình tập trung vào công nghệ in DTG (trực tiếp lên vải). In DTG cho phép mình xây dựng được tự động hóa, đó là mục tiêu của mình.

DTG ở Việt Nam, chia làm 3 loại: bình dân, tiêu chuẩn, và khác. Chúng ta sẽ đi vào từng mục một.

Các loại máy in DTG

Máy in tiêu chuẩn

Nếu bạn chưa biết thì mình chia sẻ nhỏ là: in ấn DTG là loại hình đầu tư tốn kém và đòi hỏi kiến thức trong ngành phải tốt.

In tiêu chuẩn là cơ sở in được đầu tư bài bản, vốn dồi dào, máy in chính hãng, mực in, chất phủ chính hãng, áo thun tiêu chuẩn cotton 100% ring spun, phòng in cách ly thoáng mát, ….

Hiện nay nổi tiếng nhất Việt Nam là dòng máy in của Brother là Brother GTX (GTX cũng có mấy đời được cập nhật như máy iPad). Trước đây có Anajet nhưng giờ hãng này đã bán cho Ricoh. Để nhập máy này về Việt Nam bạn phải đầu tư từ 24.000 – 30.000 usd chỉ riêng máy in, chưa tính rất nhiều linh kiện đi theo…). Có khá nhiều đơn vị nhập bao gồm chính hãng Brother. Rất nhiều công xưởng in ấn trên thế giới sử dụng GTX như khởi nghiệp.

Gần đây có một dòng máy PolyPrint TextJet của Hy Lạp đang được công ty ở Quận 2 tích cực quảng bá và thường xuyên tổ chức workshop để giới thiệu. Giá nhập về Việt Nam tầm 15.000. Mình cũng không khuyến cáo các bạn nên hay không nên đầu tư vì mình không biết cũng chưa rành dòng máy này và bên phía nhà phân phối cũng từ chối chia sẻ chi tiết nên mình không bàn luận thêm. Có vẻ nó phù hợp về giá ở Việt Nam. Muốn mua bạn vui lòng google nhà phân phối nhé.

Còn cao cấp hơn thì các dòng máy công nghiệp như Kornit và Aeoon.

Ưu điểm
  • Tính ổn định cao
  • Chế độ hậu mãi và bảo hành dài: từ 1 đến 3 năm
  • Thương hiệu nổi tiếng
  • Có thể làm được tự động hóa nhất là Brother GTX
  • Có tài liệu hướng dẫn rõ ràng và phần mềm đi kèm bản quyền
Khuyết điểm
  • Chính hãng cái gì cũng chính hãng – kể cả mực
  • Vốn đầu tư lớn
  • Vẫn có trục trặc hư hỏng như máy độ
  • Vẫn cần nhân công kỹ thuật in
  • Bảo trì tương đối khó do cách biệt vị trí địa lý, nhưng có thể giải quyết thông qua đại lý.
  • Rủi ro vẫn cao vì chi phí sản xuất cao
  • Mực in rất mắc

Máy in bình dân

Do mặt bằng máy in chính hãng vốn đầu tư lớn, rủi ro vẫn tương đối cao nên ở Việt Nam phát sinh dòng máy in trên vải: DTG độ, nước ngoài có thuật ngữ khác là máy in DTG DIY, tìm trên Youtube sẽ có rất nhiều video hướng dẫn bạn tự chế máy, hãy thử từ khóa “dtg diy printer” nhé.

Mình gọi là máy bình dân là vì mấy dòng này do mấy kĩ sư trong nước vọc cải tiến các dòng máy của hãng Epson thành máy in áo. Có bao giờ bạn nghe máy in độ của Canon, Brother hay HP không? Chỉ có Epson thôi, Epson là hãng không khóa chip nên thiên hạ được tự do cải tiến độ tùy thích.

Một ngách nhỏ xíu này đã mở ra một công cụ kinh doanh cho các anh những thợ vọc, những anh có chút kiến thức cơ khí chế tạo (hoặc có thể gọi là kỹ sư)… và nhiều công ty nho nhỏ ăn theo. Và cũng nổi lên khá nhiều kỹ sư Việt Nam trong giới như Hung Pham, Quân QTN, Hòa Hương, Bảo Tín… và rất nhiều nhiều anh chàng mà mình chả biết nổi tên.

  1. Hung Pham: anh này xứng đáng đứng đầu bảng vì khả năng chế tạo máy của anh chàng vững nhất. Vững không có nghĩa là tốt, nhưng đó không phải vấn đề. Vấn đề chính của anh này ở việc chăm sóc khách hàng, anh ta dường như không có thời gian làm việc đó.
  2. QTN: Đây là đối trọng tương đối với Hùng, điểm yếu lớn nhất của Quân là kỹ thuật không bằng Hùng. Nhưng điểm cộng là anh ta chăm sóc khách hàng rất tốt và máy bán rẻ hơn của Hùng kha khá. Rất tích cực quảng bá nhiều khi kiểu dạng spam.
  3. Hòa Hương và Bảo Tín: Hòa Hương đã dừng cuộc chơi, Bảo Tín chỉ bán máy không tham gia chế, nhưng mua hàng liên quan in ấn thì nhớ tên Bảo Tín.
  4. Các anh tài khác như Hiếu, Trí,… và nhiều nữa

Điểm chung của tất cả máy móc độ là không ổn định. Trung bình từ Tháng thứ 2-3 trở đi (có khi sớm hơn) những trục trặc về bất ổn định của máy in bắt đầu, bạn sẽ cần bảo trì liên tục, may mắn thì tự xử được còn xui xẻo có khi là vất luôn.

Ưu điểm
  • Giá thành dễ đầu tư
  • Phù hợp với mấy bạn chưa biết gì vọc chơi rồi bỏ cũng được
Khuyết điểm
  • Độ ổn định không cao
  • Rắc rối bảo trì từ tháng thứ 2 trở đi
  • Không có tài liệu hướng dẫn cụ thể
  • Phần mềm “chưa chắc” bản quyền
  • Lệ thuộc rất lớn vào người chế tạo
  • Chế độ bảo hành không bao giờ bảo đảm đúng cam kết.

Máy in khác

Mình xếp các máy in của Trung Quốc nằm ở hạng mục này, gần đây mình có cái nhìn rất khác ở các dàn máy của Trung Quốc. Máy móc TQ có thể thỏa được chi phí đầu tư vừa phải nhưng sản xuất được quy mô lớn. Trở ngại lớn 1 nhất là Tiếng Hoa (tất cả phần mềm là tiếng Hoa). Trở ngại cực kì lớn thứ 2 là các ông Trung Quốc thì cũng có ông chơi trò “vất con giữa chợ” như các ông thợ Việt Nam.

Thảo luận thêm

Là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh máy in độ (hiện nay đã nghỉ – cứ cho là mình là thằng bán hàng hoàn lương), mình có đôi lời với các bạn chuẩn bị, sắp hoặc đã đầu tư.

Máy in DTG không có cái nào hoàn hảo, đây là cuộc chơi khá tốn tiền bạc và độ rủi ro cao. Nhưng nếu bạn nghiêm túc đầu tư thì nên đi thẳng máy hãng, ít tiền thì nên thuê dịch vụ. Hầu hết máy móc đều xảy ra trục trặc ở vấn đề bảo trì và bảo hành. Nếu bạn vẫn quyết tâm đầu tư vào dòng máy rủi ro cao là máy độ ở Việt Nam, mình có vài lời khuyên:

  • Nên google tìm hiểu thông tin đầy đủ trước về DTG nếu chưa biết, càng nhiều càng tốt.
  • Nên tìm hiểu luôn người chế tạo để có mà liên hệ, kể cả đánh giá những người mua trước.
  • Nên bắt buộc kí cam kết/hợp đồng bảo hành (hầu hết bảo hành không bao giờ đúng như lời nói).
  • Nên đến tận nơi xem cơ sở và nhân sự (khuyến cáo xưởng nên có trên 4 nhân sự thường trực mới có thể bảo trì cho bạn đúng hẹn).
  • Đừng nghe bất cứ thứ gì của các ông kỹ sư hứa hẹn – kể cả của mấy ông bán hàng (cả hãng và độ). Không có công nghệ đỉnh cao, công nghệ PRO, “dễ mà – làm 30s”… Chỉ có công nghệ làm bạn te tua thôi.
  • Nên chuẩn bị một nguồn vốn dự phòng rủi ro.
  • Nên chuẩn bị nhân công kỹ thuật để vận hành in ấn.
  • Nên tìm nguồn áo thun tốt, không nên sử dụng áo trôi nổi, ảnh hưởng rất lớn đến thành phẩm.
  • Mực in chính là thứ đáng lo ngại nhất, không phải máy in. Nó là thứ có thể rút cạn túi tiền của bạn nhanh nhất.

Lời kết

Như đã nói ngay từ đầu, mình chỉ viết và nhận định như một doanh nghiệp, người kinh doanh và thể hiện quan điểm cá nhân. Bạn có thể cho rằng mình viết không đúng ở quan điểm nào đó thì hãy giúp mình feedback để mình cải tiến thêm nội dung.

Mình không hưởng bất kì một đồng hoa hồng từ máy móc nào của cả hãng hoặc độ. Tất cả chỉ là đam mê nghiên cứu tìm tòi và thích viết lên sự thật, có khi nó mất lòng nhiều người, nhưng nó cũng giúp được nhiều người khác.

Nếu muốn ủng hộ mình bạn có thể đặt mua 1 áo thun chất lượng cao mình đang kinh doanh tại cửa hàng.

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.