Đi tìm chiếc áo thun tốt nhất Việt Nam

Bởi
Ký sự
Cập nhật: 25/03/2021 3:27 pm
Đã đăng: 11/06/2020 11:20 pm

Ngày xửa ngày xưa, à không.., ngày nảy ngày nay có một anh chàng bán thân… mình đùa ấy. Câu chuyện tìm áo thun xịn nhất của YAT thật ra xảy ra khá tình cờ,…

© YAT

Quay trở về vào mấy ngày hè nóng bức năm 2017, lúc ấy mình trở lại thành phố để tìm hướng đi mới cho nghiệp “làm doanh nhân”. Mình vừa thất bại thêm 1 dự án là Naturix (thực phẩm sạch), sau khi đã chán chường dự án dài hơi lâu năm DU LỊCH BỤI (www.dulichbui.vn) mãi không hướng ra.

Nhỏ bạn thân liên hệ mình nhờ mình làm một dự án nhỏ liên quan đến mấy cái áo thun của nó. Và cái nghiệp nó bắt đầu từ đây.

Bán áo thun mà giàu thế à?

Trước khi bạn mình đề cập một cách khá nghiêm túc về ngành công nghiệp áo thun, mình có xem vài website viết về chủ đề kiếm tiền online (MMO), trong nước và cả nước ngoài như SPI (www.smartpassiveincome.com). Hồi xưa mình xem anh chàng này có tháng kiếm 1 triệu USD lận, bây giờ website của ảnh giống kênh đào tạo doanh nghiệp hơn.

Đại khái là: “chiếc áo thun mà mình mặc hàng ngày + những hình thiết kế trên áo” có thể mang đến cho người sáng tạo hàng triệu đô (USD) hàng năm. Ý tưởng màu hồng là thế.

Mỗi cái áo thun lời chừng 5 USD, mỗi chiếc hoodie lời chừng 8-13 USD.

Bán 1000-2000 áo/tháng thì giàu to mấy bạn, nếu quy đổi sang VND lại càng to hơn. Điều quan trọng hơn là: Bạn không cần làm gì cả, chỉ thiết kế rồi upload hình lên các platform bán áo thôi.

Represent.com – một trong nhiều platform fullfillment áo thun. © YAT

Kể từ thời điểm ấy, mình bỏ hết tất cả bắt đầu nghiên cứu về ngành công nghiệp áo thun này. Các kiến thức về các platform (nền tảng) bán hàng như shopify, woocommerce,… rồi các platform bán áo chuyên nghiệp như TeeSpring, Redbubble, TeePublic, SunFrog,… đều được mình nhào vô đăng ký và tham gia tất.

Ngành công nghiệp này cực kì to lớn đến ông lớn Amazon cũng nhảy vào chia phần, và Merch by Amazon (MBA) xuất hiện. Với lượng khách hàng khổng lồ, Amazon nhanh chóng dẫn đầu đường đua. Mình cũng nhanh chóng tham gia MBA.

Mày chả bán được gì đâu nếu không biết quảng cáo

Trong khoản thời gian mình bán áo trên các nền tảng, mình cũng kịp theo chân nhỏ bạn tham gia quá trình phát triển một platform bán áo thực thụ. Cũng nhờ ấy mình biết được “cái flow” (tạm dịch: dòng chảy, luồng): Quá trình từ một hình thiết kế –> được in ra –> giao đến tay khách hàng –> bạn nhận được tiền.

Okay, mình giải thích thế này về nước ngoài cho các bạn chưa biết luôn: Để in một cái áo rồi bán giao đến tay khách hàng, bạn cần thế này.

  • Áo thun (dĩ nhiên rồi)
  • Một chiếc máy in DTG + nhiều máy móc, hóa chất đi kèm theo
  • Nhà xưởng để trữ các thứ trên
  • Các anh thợ đứng máy: bỏ áo vào máy, bấm nút, lấy áo đi sấy, gấp áo…
  • Dịch vụ giao hàng kết nối tận xưởng
  • Phần mềm quản lý chu trình các thứ trên
Đi Singapore gặp mặt team phát triển platform © YAT

Áo thun

Ở các thị trường như Âu, Mỹ, Úc,… hoàn toàn không có chuyện áo thun không nhãn mác, chất lượng bát nháo tứ tung, với hàng tỷ thương hiệu trôi nổi như nước ta. Chỉ có vài thương hiệu cung ứng áo thun phôi cho toàn thị trường và cả toàn cầu, điển hình như GILDAN, Next Level, Bella+Canvas,…

Các tập đoàn toàn cầu này được ví như con quái vật khổng lồ, họ to lớn đến nổi có thể đầu tư hàng trăm cánh đồng bông như ở Bangladesh. Có khi GDP của Bangladesh phần lớn toàn làm áo thun cho Gildan. Một ngày họ bán hàng triệu cái áo thun đi khắp nơi trên thế giới.

Áo thun của hãng Gildan © Shirtspace.com

Các xưởng in chỉ cần đăng ký doanh nghiệp in thì có thể mua Gildan với số lượng lớn giá rẻ mạt. Bạn cho rằng áo thun ở Việt Nam mình rẻ ư? Sai! Ở Mỹ bạn có thể mua chiếc áo với giá $1.2 (~28.000 VND) đấy, Cotton 100% đảm bảo luôn. Rất nhiều tiểu thương ở Việt Nam mua Gildan về bán đầy trên mạng với giá 50-60.000/áo. Cách đây tìm thì khó chứ giờ tìm dễ lắm.

Vấn đề áo thun giải quyết dễ dàng.

Máy móc + nhà xưởng + thợ

Tùy quy mô mỗi xưởng in, xưởng bé thì 1-2 máy Brother GTX (tại sao Brother GTX mình sẽ đề cập sau ở bài viết khác), các nhà máy như Spreadshirt chẳng hạn có quy mô bằng mấy sân bóng đá, với máy in hàng trăm chiếc luôn vận hành hết công suất.

Máy móc nguyên liệu ở nước ngoài lại dễ tìm hơn Việt Nam mình nhiều lắm. Đơn cử như mực in, mình thỉnh thoảng vẫn gặp các bạn chủ xưởng đi tìm khắp nơi mua mực cho máy in, vì cả Việt Nam chắc chỉ có vài đơn vị nhập khẩu. Chưa nói mực in về Việt Nam bị hải quan kiểm soát rất khó.

© Spreadshirt

Dịch vụ giao hàng

Bạn biết FedEx, DHL, UPS không? Mấy công ty này họ vận chuyển mọi thứ toàn cầu, có chi nhánh ở khắp nơi trên thế giới. Làm việc với họ chỉ cần lên website họ đăng ký thôi à. DHL còn có cả đội máy bay riêng ấy.

Phần mềm

Phần này mình tô đậm là vì… thật ra bạn chỉ cần quan tâm đến cái này, còn mấy cái vừa nói ở trên có một dịch vụ gọi là Fullfillment lo hết rồi (mình sẽ nói về fullfillment áo thun ở một bài khác nhé).

Để bán áo thun kiếm tiền, một là tham gia các nền tảng, hai là viết phần mềm kết nối với seller (xem người khác bán).

  • Các nền tảng: như MBA, Redbubble, Sunfrog,… Bạn chỉ cần đăng ký tài khoản rồi thiết kế hình ảnh upload vào đó rồi chờ tiền vào túi thôi.
  • Viết phần mềm: Bạn là chủ doanh nghiệp thuê người viết ứng dụng rồi kết nối vào môi trường của các dịch vụ giao hàng, shopify…

Mình đã giải thích cơ bản bán áo thun gồm những gì rồi hen. Nhưng có hết bán áo được không?

Không các bạn ạ, thế nên mới xuất hiện câu “Mày chả bán được gì đâu nếu không chơi cc chùa!”

Giao diện cơ bản trình thiết kế của Teespring © Placeit.net

Tiền đâu để quảng cáo nào

Bây giờ mọi thứ đều có sẵn: phần mềm có, dịch vụ fullfillment có (in, đóng gói, giao), đồ để bán cũng có. Thì giờ chỉ thiếu mỗi hình thiết kế để bán đúng không?

Nhưng đâu phải cái gì thiết kế ra cũng có người mua, mà đâu phải một mình bạn bán trên mấy platform đâu? Thế thì phải quảng cáo. Quảng cáo ở đâu: Facebook, Google, Amazon.

Lúc này thì sẽ cần đến tiền, rất nhiều tiền, có nhiều ông đem cầm cố nhà cửa chỉ để chiến đấu “khô máu đêm nay”, thắng đời anh lên, thua mai anh nhảy cầu. Đó là những thanh niên sống lành mạnh, dùng tiền ít ra vẫn trong sạch.

Giao diện trình quảng cáo của Google © Martechtoday.com

Nhưng, thế giới có người này người kia, mà cộng đồng người Việt Nam mình hồi xưa có một dạo nổi lên phong trào xài cc chùa. Có một số diễn đàn chia sẻ thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài rất nhiều. Một mình làm thấy tội lỗi, nhưng cả cộng đồng cùng làm vậy thì con người ta nghĩ rằng xài thẻ tín dụng là đúng. Có cả hiệu ứng được nghiên cứu khoa học đàng hoàng. Ngay cả bản thân có vài lần cũng nạp cc chùa mua game chơi hồi còn trẻ trâu mà.

Thẻ tín dụng bị hack hoặc bị trộm thông tin! CC là Credit Card, còn chùa là xài đồ chùa miễn phí. Ý nghĩa là lấy thẻ tín dụng của người ta, tiền của người ta xài chùa.

Có nhiều hình thức, nhưng trong cộng đồng bán áo thì cũng có nhiều seller dùng cc chùa để chạy quảng cáo, hoặc mua hàng chéo. Gần đây phong trào này mình nghĩ nó không mất đi nhưng tinh vi hơn vì có khá nhiều đợt càn quét và công an/cảnh sát điều tra nhiều.

Lời kết phần mở đầu

Mình viết văn không hay lắm, chỉ chia sẻ chuyện đời, viết cái áo ở Việt Nam nhưng toàn bàn chuyện ở nước ngoài. Tuy nhiên đây là phần đầu tiên của seri, bạn nào chịu khó cứ theo dõi nhiều bài viết về sau nhé. Mình sẽ thông báo trên fanpage khi có phần mới.

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.