Áo thun – Câu chuyện bắt đầu từ… chiếc áo lót

Bởi
Thời trang
Cập nhật: 07/05/2023 10:37 pm
Đã đăng: 06/09/2020 5:00 pm

Chiếc áo thun (áo phông), hay còn gọi là t-shirt vốn là thứ không thể quen thuộc hơn đối với nam giới. Trừ những nơi yêu cầu phép tắc, sự trang trọng thì bạn có thể mặc áo thun mọi lúc, mọi nơi, mọi dịp mà không cần quá đắn đo.

© House of Fraser

Nhưng bạn có biết rằng, để vươn lên thành một trong những trang phục chính, được đông đảo sự đồng thuận thì áo phông cũng đã phải trải qua những năm tháng “ngậm ngùi” với khởi đầu chỉ là… đồ lót dành cho nam giới? Cụ thể ra sao, xin mời bạn đọc tiếp:

Chiếc áo ban đầu được sản xuất cho những chàng trai độc thân

Năm 1904, CUC (Cooper Underwear Company) đã thực hiện chiến dịch quảng cáo giới thiệu một sản phẩm mới được thiết kế dành riêng cho các chàng độc thân, được gọi là “bachelor undershirt”. Câu khẩu hiệu “Không ghim băng – không nút – không kim – không chỉ” nhằm chỉ cánh đàn ông không có vợ và không có kỹ năng may vá. Trong vòng một năm, những chiếc áo phông trở nên vô cùng phổ biến không chỉ với hàng ngàn chàng trai độc thân mà còn trở thành trang phục không thể thiếu của những người đàn ông đã có vợ.

Mặc dù chiếc áo phông đã được quảng bá rộng rãi thông qua chiến dịch của CUC nhưng họ lại không phải là người phát minh ra nó. Theo tờ New York Times, những chiếc áo phông được phát triển trong thế kỷ 19 khi những người lao động cắt áo liền quần làm đôi để mặc vào những khi trời nóng.

Steve McQueen, huyền thoại của Hollywood những năm 1960 và 1970 có phong cách chuẩn chỉnh lên đến mức biểu tượng. Ông thường xuyên xuất hiện với trang phục rất đơn giản nhưng lại đạt hiệu quả cao. © Sưu tầm

Xuất phát từ những chiếc áo lót

Trong khi chiếc áo thun ngày nay giống như một biểu tưởng của sự hiện đại, tác phong công nghiệp nhanh chóng thì xuất phát điểm của nó: áo lót (undershirt).

© Sưu tầm

T-shirt, tên gọi được đặt theo đúng hình dáng: Hình chữ T tạo bởi thân áo giao với 2 ống tay. Áo thun hàng trăm năm trước được làm từ len lông cừu (wool) hoặc lụa, mục đích chiếc áo ngày đó rất thiết thực: thấm hút mồ hôi và đóng vai trò là lớp ngăn cách giữa cơ thể và những bộ quần áo đắt tiền mặc bên ngoài.

Trong cuộc Cách mạng Công nghiệp với xuất phát điểm tại Anh, người ta nhận ra ưu thế của chất vải cotton dành cho quần áo lót vì tạo cảm giác dễ chịu hơn rất nhiều cho người mặc (mặc dù vải cotton thời đó đúng nghĩa thô và cứng chứ chưa có công nghệ xử lý vải hiện đại như ngày nay). Thế kỉ 19 đánh dấu sự phổ biến của áo thun ở mọi tầng lớp, giai cấp. Những người thợ mỏ hay công nhân còn mặc riêng chúng với quần khi làm việc vì sự tiện lợi, gọn gàng.

© Sưu tầm

Đến thế kỉ 20, áo lót được sử dụng rộng rãi trong Hải Quân Mỹ với chức năng là lớp cách nhiệt, thấm mồ hơi giữa cơ thể và đồng phục mặc ngoài. Nhưng vì tần suất, khối lượng công việc cao nên lính tá, thuỷ thủ hay hải quân đều xuất hiện với duy nhất chiếc áo lót mặc cùng với quần. Chất liệu sản xuất áo lót cũng trở nên phổ biến hơn vì giá thành thấp, thoải mái, dễ giặt tẩy nên cũng được đông đảo vận động viên, nông dân, người chăn nuôi, dân lao động, v.v… hưởng ứng nhiệt tình. Những năm 1940, chiếc áo lót càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên danh nghĩa trang phục mặc ngoài của các chàng trai, những thanh niên trẻ tuổi không thích đi theo khuôn mẫu.

Cho đến những năm 1950, một loạt bộ phim như The Wild OnesA Streetcar Named Desire, và Rebel Without a Cause đã định hình lại hoàn toàn chiếc áo lót. Giờ đây, nó là một thứ trang phục tách biệt và độc lập, có thể mặc cùng với bất cứ thứ gì bạn muốn chứ không phải “chui lủi” ở dưới những bộ suit hay áo sơ mi nữa. Tài tử Marlon BrandoJames Dean chính là 2 cái tên sáng chói nhất trong thời kì này khi gây sốt bằng thời trang áo thun trơn khoẻ khoắn.

Tài tử Marlon Brando © Sưu tầm

Theo đà xu thế, những chiếc áo thun in hình đầu tiên đã xuất hiện vào năm 1960, mở ra một làn sóng áo thun kèm theo tinh thần văn hoá. Bạn có thể nhìn thấy đủ thứ trên chiếc áo phông: hình vẽ, tên ban nhạc, slogan, quan điểm sống, v.v..

Khi nào nên mặc áo phông?

Áo thun có cả một lịch sử lâu đời, ngoài chuyện không nên (có lẽ là không được) mặc áo thun khi tham gia đám cưới, đám tang thì hầu như bạn có thể mặc nó vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, cũng cần chú ý những điều sau:

  • Không nên mặc áo thun tại những nơi tổ chức sự kiện trang trọng
  • Áo thun vốn được sinh ra dành cho dân lao động, thể thao nên nếu bạn là người hay phải di chuyển, làm việc ngoài trời thì đây là sự lựa chọn tuyệt vời
  • Nếu muốn gây ấn tượng trong lần gặp đầu tiên, đừng nghĩ đến áo thun. Lúc này thì sơ mi hay áo polo lại là thứ hợp lý hơn nhiều

Bài viết được tham khảo nhiều nguồn tài liệu khác nhau, đặc biệt bài viết cực kì hữu ích từ website Barbaard, cùng với nhiều vài tài liệu góp nhặt từ Lost Bird, Wiki.

Trở lên Trên ▲
Quảng cáo

Viết trả lời hoặc Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị. Các ô bắt buộc sẽ được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.